Văn phòng công chứng Phan Thị Kim Cúc

Hotline: 0917 329 123 Email: congchungkimcuc@gmail.com
no-ro-dich-vu-lam-gia-giay-to-de-duoc-vay-tien1
Nở rộ dịch vụ làm giả giấy tờ để được vay tiền

Nở rộ dịch vụ làm giả giấy tờ để được vay tiền

“Hỗ trợ cho vay từ 1 đến 100 triệu đồng. Đủ 18 tuổi là được vay. Không gọi người thân, không phí trước. Hỗ trợ toàn quốc, duyệt trong 5 phút. Nợ xấu vẫn chấp nhận. Vay bao nhiêu trả bấy nhiêu”. Đây là những lời mời gọi khách hàng được rao công khai trên mạng xã hội. Chỉ cần có giấy tờ tùy thân là đã có thể vay được tiền nhanh chóng mà không cần làm quá nhiều thủ tục.

N.T.T. (25 tuổi, ngụ quận 7, TP.HCM) tìm đến hình thức này để vay số tiền 10 triệu đồng. Song, T. không ngờ đến những phiền phức và rủi ro khi thông tin cá nhân rơi vào tay kẻ làm giấy tờ giả. Sau đó, những giấy tờ này bị bán cho người khác mang đi vay tiền.

Bỗng dưng mang nợ

Tháng 5/2020, anh N.P. (29 tuổi, ngụ quận 12, TP.HCM, người quen của T.) bất ngờ nhận được điện thoại từ một người đàn ông tự xưng là nhân viên công ty tài chính.

“Người đó gọi xác nhận có phải là tôi không rồi thông báo có đứa cháu tên N.T.T. mượn tiền nhưng trốn nợ, không trả. Người này yêu cầu tôi trả nợ thay. Tôi không có đứa cháu nào tên như vậy nên đề nghị nhân viên kia tìm người đó mà đòi hoặc trình báo công an. Sau đó tôi cúp máy”, anh P. kể.

Tuy nhiên, những ngày sau, P. lại tiếp tục nhận được những cuộc điện thoại tương tự, yêu cầu anh trả tiền. Không những thế, một số nick ảo còn vào Facebook cá nhân của P. để lại bình luận kèm hình ảnh nhắc nợ.

no-ro-dich-vu-lam-gia-giay-to-de-duoc-vay-tien1
Một số mẫu căn cước công dân bị làm giả mà tài khoản Minh Anh gửi cho phóng viên. Ảnh: Q.A.

Chị T.H. (31 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM) là một trường hợp khác. H. làm mất CMND vào giữa tháng 11/2020. Nhưng bận công việc nên H. chưa về quê để làm lại giấy tờ.Sau đó, P. phát hiện ra T. có vay tiền của công ty đó nhưng đã trả hết nợ, không hiểu sao họ vẫn gọi. T. đã trình báo vụ việc đến công an và nhắn tin cho người thân, người quen cảnh giác.

Khi H. đem chuyện này kể với một người bạn, người này mới nói H. lên tra cứu ở Trung tâm Thông tin ứng dụng (CIC – tổ chức của Ngân hàng Nhà nước) xem có bị “dính” khoản vay nào không.

Lúc này, H. tá hỏa phát hiện mình có khoản vay quá hạn thuộc nhóm 3 với số tiền tới 170 triệu đồng tại một công ty tài chính. Bản thân chưa từng làm hồ sơ vay, chị đã liên hệ để xác minh. Sau khi làm rõ, chị H. được hoàn tất hồ sơ để điều chỉnh thông tin dư nợ tín dụng trên CIC.

Gần đây là trường hợp anh Nguyễn Ngọc Q. (ở Hà Nội) bất ngờ trở thành con nợ khi nhận được thông báo của ngân hàng có gói nợ xấu thuộc nhóm cao nhất (Nhóm 5 – Nợ có khả năng mất vốn).

Anh Q. cho biết bản thân chưa từng làm thủ tục hay phát sinh khoản vay tiêu dùng nào trước đó. Sau khi khiếu nại, công ty tài chính này vào cuộc xác minh thì phát hiện hồ sơ của người đàn ông bị làm giả.

CMND giả giá 1-1,5 triệu đồng

“Ởđây chúng tôi nhận làm giả các loại giấy tờ từ CMND đến hộ khẩu. Giấy tờ giả được sử dụng phôi, tem chuẩn, đảm bảo giống thật 99%. Bao anh mang đi công chứng”, người bán giấy tờ giả sử dụng tài khoản Facebook tên Minh Anh quảng cáo.

Người này cho biết giấy tờ tùy thân như CMND hoặc căn cước công dân làm chỉ mất 2-3 ngày là xong. Giá của mỗi giấy tờ này khoảng từ 1-1,5 triệu đồng. Nếu muốn lấy nhanh trong ngày thì giá sẽ cao hơn.

Tài khoản này khẳng định giấy tờ giả hoàn toàn có thể cầm đi mở thẻ ngân hàng hoặc sử dụng vay tín chấp mà không bị phát hiện. Minh Anh kể nhiều người đã tìm đến tài khoản Facebook này để mua CMND giả sau đó cầm đi vay tiền thành công.

no-ro-dich-vu-lam-gia-giay-to-de-duoc-vay-tien2
Những hội, nhóm vay tiền thông qua giấy tờ tùy thân nhan nhản trên mạng. Ảnh chụp màn hình.

“Nếu anh dùng CMND giả bên em làm để đi vay tiền ngân hàng thì khỏi lo, không ai phát hiện được đâu. Dễ nhất là dùng tên với số CMND của người khác vay tín chấp qua mạng, thủ tục dễ, giải ngân nhanh mà không sợ lằng nhằng tới mình sau này”, tài khoản Minh Anh bày cách.

Người này cho biết để vay tiền trót lọt thì quan trọng phải tìm được số và thông tin CMND của người chưa có nợ xấu, sau đó làm giả lại thông tin của họ. Nếu thông tin của người đó đủ điều kiện vay thì hoàn toàn có thể được giải ngân và rút được tiền ngay.

Cũng giống như tài khoản Minh Anh, một số tài khoản nhận làm giấy tờ giả khác khi trao đổi với phóng viên cũng cho rằng chiêu trò làm giả CMND của người khác rồi đem đi vay tiền không phải là mới.

Những người này kể nhiều khách hàng tìm tới mình yêu cầu làm CMND giả sau đó mang đi vay tiền và đã thành công. Thậm chí một số người làm giả CMND cho khách sau đó cũng được hưởng ít hoa hồng từ việc lừa đảo này.

“Thủ tục vay đơn giản, không phải gặp gỡ ai. Còn giải ngân thì nhận qua tài khoản ngân hàng rồi. Quan trọng số CMND phải chuẩn và người sở hữu đủ điều kiện vay là được”, một tài khoản nhận làm giấy tờ giả ở Bình Dương nói.

Những người bán giấy tờ giả này cho biết việc sở hữu một CMND giả từ họ cũng rất dễ dàng. Người mua chỉ cần gửi thông tin cơ bản cho họ như tên, tuổi, địa chỉ, số CMND muốn làm… Sau khoảng 2-3 ngày sẽ có người ship thành phẩm tới tận nhà rồi thanh toán tiền.

Tội phạm lừa đảo rất tinh vi

Trao đổi với Zing, đại diện của Công ty tài chính VPBank (FE Credit) cho biết thời gian qua, công ty này gặp một số trường hợp tương tự chị H. và anh Q.

Trong năm 2020, Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an từng khởi tố, bắt giữ 5 người về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi họ làm giả giấy tờ để lập hồ sơ vay tiền, qua đó lừa đảo và chiếm đoạt hàng tỷ của công ty tài chính.

Theo vị đại diện này, công ty tài chính hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Song, hiện nay, tội phạm lừa đảo rất tinh vi. Có những trường hợp sử dụng CMND (nhặt được hoặc đánh cắp) để mở tài khoản tại một ngân hàng, rồi sử dụng tài khoản đó để nhận tiền giải ngân.

“Bằng cách nào đó tội phạm có được CMND của người khác, thay hình vào rồi dùng chính CMND này để mở tài khoản tại ngân hàng. Sau đó, kẻ gian làm thủ tục vay tiền. Chúng tôi cho vay theo các bước quy định, nhưng cuối cùng giải ngân qua tài khoản giả kia. Đây là hành vi rất tinh vi, không chỉ có FE Credit là nạn nhân”, đại diện FE Credit nói.

no-ro-dich-vu-lam-gia-giay-to-de-duoc-vay-tien3
Bộ Công an từng bắt giữ nhóm người sử dụng giấy tờ giả để chiếm đoạt tiền vay của FE Credit. Ảnh: Minh Chiến/CAND.

Đại diện công ty tài chính cho hay khi có khách hàng phản ánh họ không phải người vay khoản tiền đó thì công ty tài chính sẽ tiến hành hỗ trợ, xác minh. Nếu thật sự khách hàng không vay thì sẽ không bị đòi tiền và được hoàn tất hồ sơ để điều chỉnh thông tin dư nợ tín dụng trên CIC. Như vậy, công ty tài chính bị mất tiền và phải chờ cơ quan chức năng vào cuộc.

“Chúng tôi cũng là nạn nhân của những kẻ gian này. Khi khách hàng phản ánh, chúng tôi giải quyết nhanh việc điều chỉnh thông tin dư nợ, trình báo công an. Còn khoản tiền đó tạm thời là thiệt hại của công ty. Chúng tôi rất mong cơ quan chức năng có chế tài mạnh hơn nữa để đủ sức răn đe những loại tội phạm này”, đại diện công ty tài chính nói.

Trao đổi với Zing, luật sư Kiều Anh Vũ (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết cho vay tín chấp là một hình thức cấp tín dụng rất linh hoạt của các tổ chức tín dụng, giúp giải quyết các nhu cầu về vốn của cá nhân.

Việc cho vay tín chấp chủ yếu dựa vào thông tin nhân thân của người vay, trường hợp này là CMND của bên vay và các thông tin liên quan khác mà không phải là tài sản bảo đảm có giá trị. Do vậy, các đối tượng lừa đảo cố tình làm CMND giả để trục lợi.

Về các biện pháp nghiệp vụ, thẩm định khi cho vay, hơn ai hết, các tổ chức tín dụng khi cho vay đều đã kiểm tra, thẩm định theo các quy định, quy trình nội bộ của mình nhưng có thể vì thủ đoạn lừa đảo quá tinh vi nên việc sử dụng CMND giả để vay tín chấp vẫn xảy ra.

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay. Theo đó, tổ chức tín dụng có quyền tự chủ trong hoạt động cho vay và tự chịu trách nhiệm về quyết định cho vay của mình.

Do vậy, để tránh tình trạng bị lừa đảo, sử dụng CMND giả để vay tín chấp thì các tổ chức tín dụng cần hoàn thiện hơn nữa nghiệp vụ, quy trình thẩm định cho vay của mình. Đồng thời, các quy định về cho vay tín chấp hiện nay cũng cần chi tiết hơn, cụ thể hơn để đảm bảo hoạt động cho vay được minh bạch, an toàn, hạn chế các đối tượng xấu trục lợi.

Nguồn Zing

Bài viết liên quan

  • Địa chỉ: 792 Lê Trọng Tấn, Phường Bình Hưng Hòa, Bình Tân HCM
  • Điện thoại: 028 376 55 666
  • Hotline: 0917 329 123

Tìm chúng tôi

FANPAGE

Bản quyền thuộc về VPCC Phan Thi Kim Cúc