Skip to main content

Văn phòng công chứng Phan Thị Kim Cúc

Hotline: 0917 329 123 Email: congchungkimcuc@gmail.com
Lập di chúc có cần giấy khám sức khỏe không?

Lập di chúc có cần giấy khám sức khỏe không?

Trong khi lập di chúc, người lập di chúc phải minh mẫn, sáng suốt, không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép. Vậy có bắt buộc phải đi khám sức khỏe nếu muốn lập di chúc không?

Có phải khám sức khỏe khi lập di chúc không?

Điều 630 Bộ luật Dân sự năm 2015 nêu rõ, một bản di chúc hợp pháp nếu có đầy đủ các điều kiện sau đây:

– Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép.

– Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

– Di chúc của người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi: Lập thành văn bản, được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc;

– Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ: Người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

Căn cứ quy định này, không có yêu cầu nào bắt buộc người lập di chúc phải có giấy khám sức khỏe.

Ngoài ra, với trường hợp di chúc được công chứng hoặc chứng thực, khoản 2 Điều 56 Luật Công chứng năm 2014 nêu rõ:

Trường hợp công chứng viên nghi ngờ người lập di chúc bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình hoặc có căn cứ cho rằng việc lập di chúc có dấu hiệu bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép thì công chứng viên đề nghị người lập di chúc làm rõ, trường hợp không làm rõ được thì có quyền từ chối công chứng di chúc đó.

Theo quy định này, khi di chúc được yêu cầu công chứng, chứng thực thì công chứng viên là người sẽ xác định tình trạng của người lập di chúc và có quyền từ chối công chứng di chúc nếu có dấu hiệu nghi ngờ.

Do đó, hiện nay, pháp luật không có quy định nào yêu cầu người lập di chúc phải khám và có giấy khám sức khỏe. Tuy nhiên, để tránh tranh chấp không đáng có, khuyến khích người lập di chúc nên chuẩn bị giấy khám sức khỏe để chứng minh bản thân đủ điều kiện minh mẫn, sáng suốt.

lap di chuc co can giay kham suc khoe khong

Lập di chúc có cần giấy khám sức khỏe không? (Ảnh minh họa)

Thủ tục công chứng di chúc đúng chuẩn, hợp pháp

Hiện nay, khi muốn để lại tài sản của mình cho người khác sau khi chết, nhiều người đã lựa chọn việc công chứng di chúc. Dưới đây là hướng dẫn thủ tục lập di chúc tại Phòng/Văn phòng công chứng chi tiết nhất.

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Người lập di chúc cần chuẩn bị:

– Phiếu yêu cầu công chứng (theo mẫu);

– Dự thảo di chúc (nếu có) trong đó nêu rõ những nội dung gồm: Ngày, tháng, năm lập di chúc; họ tên và nơi cư trú của người lập di chúc; di sản để lại, nơi có di sản; họ, tên người, cơ quan được hưởng di sản…

– Bản sao các giấy tờ tùy thân như: Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân, sổ hộ khẩu…

– Bản sao các giấy tờ về di sản: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, đăng ký xe ô tô…

Bước 2: Nộp hồ sơ

Người lập di chúc liên hệ với Phòng/Văn phòng công chứng nơi mình cư trú để thực hiện thủ tục. Khi đó, người này phải mang theo bản chính các giấy tờ nêu trên để công chứng viên đối chiếu, xem xét.

Đáng chú ý, theo khoản 1 Điều 56 Luật Công chứng, người lập di chúc phải tự mình yêu cầu công chứng di chúc, không được ủy quyền cho người khác.

Bước 3: Thực hiện công chứng di chúc

– Công chứng viên tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ đồng thời nghe người lập di chúc tuyên bố nội dung muốn để lại tài sản của mình cho người khác sau khi chết.

– Công chứng viên giải thích về quyền, nghĩa vụ của người lập di chúc.

– Người lập di chúc xác nhận nội dung trong dự thảo di chúc đã đúng với ý chí, mong muốn của mình.

– Công chứng viên hướng dẫn người lập di chúc ký hoặc điểm chỉ vào văn bản.

Bước 4: Nhận bản di chúc đã được công chứng

Sau khi người lập di chúc ký, điểm chỉ vào dự thảo di chúc thì công chứng viên kiểm tra lại dự thảo, hồ sơ, giấy tờ (bản chính) của người lập di chúc.

Khi thấy đủ điều kiện thì công chứng viên ký chứng nhận vào dự thảo, đóng dấu và trả lại cho người lập di chúc bản di chúc đã được ký, đóng dấu cùng toàn bộ hồ sơ, giấy tờ gốc của người lập di chúc.

Sau khi nhận được bản di chúc, người lập di chúc phải nộp phí và thù lao công chứng:

– Phí công chứng di chúc: 50.000 đồng/di chúc theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 257/2016/TT-BTC.

– Phí nhận lưu giữ di chúc: 100.000 đồng/trường hợp.

– Thù lao công chứng: Do các bên tự thỏa thuận nhưng không vượt quá mức trần thù lao công chứng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành.

Liên hệ tư vấn:

  • Địa chỉ: 792 Lê Trọng Tấn, Phường Bình Hưng Hòa, Bình Tân HCM
  • Điện thoại: 028 376 55 666
  • Hotline: 0917 329 123