Thông tin thay Sổ hộ khẩu bằng số định danh cá nhân để truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú trong những ngày gần đây đang gây xôn xao dư luận.
Vậy sổ định danh cá nhân là gì? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua những chia sẻ dưới đây.
Số định danh cá nhân là gì?
Số định danh cá nhân được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dùng để kết nối, cập nhật, chia sẻ khai thác thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành (khoản 1 Điều 12 Luật Căn cước công dân 2014).
Theo Điều 13 Nghị định 137/2015/NĐ-CP, Điều 7 Thông tư 07/2016/TT-BCA, số định danh cá nhân là dãy số tự nhiên gồm 12 số, có cấu trúc gồm:
– 03 số đầu tiên là mã tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh;
– 01 số tiếp theo là mã thế kỷ sinh, mã giới tính;
– 02 số tiếp theo là mã năm sinh;
– 06 số cuối là khoảng số ngẫu nhiên.
Đặc biệt, số định danh cá nhân được cấp cho mỗi công dân Việt Nam, không lặp lại ở người khác và theo công dân từ lúc sinh ra đến khi mất đi. Số định danh cá nhân cũng chính là số thẻ Căn cước công dân (khoản 2 Điều 19 Luật Căn cước công dân).
Số định danh cá nhân thay thế Sổ hộ khẩu như thế nào?
Như đã trình bày ở trên, số định danh cá nhân được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Theo Điều 9 Luật Căn cước công dân, thông tin về công dân được thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gồm:
1- Họ, chữ đệm và tên khai sinh;
2- Ngày, tháng, năm sinh;
3- Giới tính;
4- Nơi đăng ký khai sinh;
5- Quê quán;
6- Dân tộc;
7- Tôn giáo;
8- Quốc tịch;
9- Tình trạng hôn nhân;
10- Nơi thường trú;
11- Nơi ở hiện tại;
12- Nhóm máu, khi công dân yêu cầu cập nhật và xuất trình bản kết luận về xét nghiệm xác định nhóm máu của người đó;
13- Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng hoặc người đại diện hợp pháp;
14- Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân của chủ hộ, quan hệ với chủ hộ;
15- Ngày, tháng, năm, chết hoặc mất tích.
Đặc biệt tại dự thảo lần 3 Luật Cư trú, Bộ Công an đề xuất thu thập, cập nhật thêm một số thông tin khác vào Cơ sở dữ liệu về dân cư: Nơi tạm trú; Tình trạng khai báo tạm vắng; Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân của các thành viên trong hộ gia đình (thay vì chỉ cần của chủ hộ như hiện nay).
Theo đó, dự thảo Luật này đã bỏ các quy định về Sổ hộ khẩu cấp cho hộ gia đình, cá nhân thay bằng việc sử dụng số định danh cá nhân để truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Ví dụ: Việc đăng ký thường trú, tạm trú của công dân sẽ được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký thường trú, tạm trú. Do đó, chỉ cần sử dụng số định danh cá nhân để quản lý.
Trước đây, Chính phủ cũng đã đồng ý bỏ Sổ hộ khẩu trong quản lý cư trú tại Nghị quyết số 112/NQ-CP năm 2017, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Dự thảo Luật Cư trú nếu được thông qua sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2021, khi đó, Sổ hộ khẩu giấy sẽ chính thức bị “khai tử”. Chúng tôi sẽ kịp thời cập nhật ngay khi có văn bản chính thức.
Theo: LuatVietnam
Hy vọng qua bài chia sẻ sẽ giúp Quý khách hàng có thêm nhiều thông tin về dự thảo Luật cư trú trong thời gian tới. Ngoài ra nếu độc giả còn thắc mắc bất cứ nội dung này thì hãy liên hệ ngay với Văn phòng công chứng Phan Thị Kim Cúc. Chúng tôi luôn sẵn lòng hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc của khách hàng.
Mọi thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:
Địa chỉ: 792 Lê Trọng Tấn, Phường Bình Hưng Hòa, Bình Tân HCM