Lật tẩy chiêu thức lừa đảo nhà đất bằng cách tráo giấy hồng
Hiện nay có rất nhiều nhóm đối tượng đã cố ý làm giả giấy hồng rồi vờ mua nhà, đất để đánh tráo lấy sổ thật mang đi chuyển nhượng, thế chấp.
Ngày 23-11, Thượng tá Phạm Quốc Anh, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an TP Cần Thơ, cho biết cơ quan này vừa bắt giữ Lưu Hoàng Hải (49 tuổi, ngụ TP.HCM) cùng với bốn người khác để điều tra việc nhóm này thực hiện nhiều vụ tráo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ hồng) để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Thủ đoạn tráo sổ hồng tinh vi
Cụ thể, vào khoảng tháng 11-2020, lực lượng trinh sát thuộc PC02 Công an TP Cần Thơ phát hiện một nhóm người ở TP.HCM thường xuyên tụ tập tại các quán cà phê trên địa bàn hai quận Cái Răng và Ninh Kiều. Nhóm này bàn bạc, trao đổi thế chấp, cầm cố, chuyển nhượng nhà, đất với giá rẻ hơn so với giá thị trường. PC02 nghi vấn nhóm của Hải có biểu hiện làm giả giấy hồng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Quá trình đấu tranh chuyên án xác định đây là nhóm đối tượng hoạt động có tổ chức, hoạt động liên tỉnh. Phương thức, thủ đoạn rất tinh vi, tạm trú ngoài địa bàn TP nên PC02 Công an TP Cần Thơ đã báo đến Cục C02 – Bộ Công an để hỗ trợ triệt phá. Qua thời gian thu thập, củng cố tài liệu, chứng cứ, lực lượng PC02 đã phối hợp với Cục C02 bắt giữ Hải và bốn đồng phạm.
Kết quả điều tra cho thấy các bị can này chia nhau tìm số điện thoại của những người đang cần bán đất, bán nhà bằng nhiều nguồn khác nhau rồi liên hệ giả vờ mua đất để xin giấy hồng phôtô. Sau đó các bị can làm giả giấy hồng; tiếp đó liên hệ chủ đất để xem vị trí thửa đất, nhà và giấy hồng bản chính để đặt cọc. Lợi dụng chủ đất không chú ý thì bị can đánh tráo giấy hồng giả lấy giấy thật.
Có được giấy thật, nhóm này làm giả giấy tờ tùy nhân của chủ đất, thuê người đóng giả chủ đất ủy quyền, chuyển nhượng cho các bị hại với giá rẻ hơn giá thị trường.
Khi giao dịch hoàn thành, tiền vào tay thì các bị can tắt điện thoại di động, cắt liên lạc với bị hại. Đến lúc chủ đất phát hiện giấy hồng bị tráo thì hợp đồng chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp tài sản đã qua nhiều người ngay tình khác nhau.
Tổng cộng nhóm Hải đã thực hiện bốn vụ, đánh tráo sáu giấy hồng trên địa bàn hai quận Ninh Kiều và Cái Răng, TP Cần Thơ với giá trị thị trường khoảng 80 tỉ đồng.
Các bị can đã thực hiện giao dịch chuyển nhượng, cầm cố được bốn giấy hồng, qua đó chiếm đoạt số tiền hơn 15 tỉ đồng. Quá trình điều tra, PC02 đã yêu cầu Phòng TN&MT phong tỏa kịp thời đối với hai giấy hồng.
Ngoài ra, các bị can còn khai nhận đã làm giả giấy hồng ở các tỉnh như Long An, Bến Tre, Đồng Tháp và Sóc Trăng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Hiện công an đang tiếp tục điều tra mở rộng, củng cố tài liệu, chứng cứ để xác minh, truy bắt những người liên quan.
Công an cảnh báo người dân, cơ quan chức năng
Ngày 23-11, trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, Thượng tá Phạm Quốc Anh cho biết đây là một loại tội phạm tinh vi, phạm tội có tổ chức nên công tác điều tra, phá án gặp nhiều khó khăn.
Theo đó, nhóm này khi tiếp xúc với các bị hại hoặc giao dịch tại phòng công chứng đều sử dụng thông tin cá nhân giả. Nhóm này làm giả các giấy tờ có độ chính xác cao nên đã qua mặt được phòng công chứng, văn phòng đăng ký đất đai.
Người được thuê đóng giả chủ đất có nhân thân, lai lịch và địa chỉ không rõ ràng, chủ yếu là người làm thuê ở trọ trên địa bàn TP.HCM. Thêm vào đó, ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên quá trình xác minh, truy bắt đối tượng gặp nhiều khó khăn.
“Nhóm này có sự bàn bạc, phân công vai trò của từng người trong từng hoạt động lừa đảo, thậm chí họ còn thỏa thuận thống nhất lời khai để đối phó với cơ quan công an nếu trường hợp bị bắt. Về phía các bị hại, khi bị tráo giấy hồng thì rất lâu sau mới phát hiện nên cũng không còn thông tin gì về đối tượng đã tiếp xúc để cung cấp cho công an” – Thượng tá Phạm Quốc Anh thông tin.
Công an TP Cần Thơ cảnh báo người dân khi giao dịch, chuyển nhượng nhà, đất thì không nên cung cấp, đưa sổ hồng và giấy tờ tùy thân bản gốc của mình cho những khách lạ. Đồng thời, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin của người mua. Trường hợp người dân phát hiện hoặc nghi vấn có dấu hiệu tội phạm thì bình tĩnh ghi biển số xe, chụp ảnh người khả nghi cung cấp cho cơ quan công an.
Đối với cơ quan công chứng, nhất là các cơ quan công chứng ở các quận, huyện phải nâng cao cảnh giác đối với các hồ sơ được người môi giới giới thiệu đến công chứng hoặc làm theo yêu cầu của người môi giới.
Khi tiếp nhận hồ sơ, nghi vấn giấy tờ tùy thân giả thì phải yêu cầu những người này cung cấp thêm các giấy tờ có hình ảnh khác để kiểm chứng thông tin. Nếu phát hiện sử dụng giấy tờ tùy thân giả thì thông báo ngay cho cơ quan công an gần nhất. Cạnh đó, các cơ quan công chứng nên gắn camera có lưu trữ dữ liệu, hình ảnh hoạt động tại đơn vị để dễ truy xuất.
Đối với văn phòng đăng ký đất đai, khi tiếp nhận hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất cần kiểm tra kỹ hồ sơ của người nộp, nhất là hồ sơ của người “môi giới” nộp giùm. Trường hợp phát hiện, nghi ngờ giấy chứng nhận giả thì cần phối hợp với cơ quan công an để xác minh.
Nguồn: Báo Mới