Skip to main content

Văn phòng công chứng Phan Thị Kim Cúc

Hotline: 0917 329 123 Email: congchungkimcuc@gmail.com
Hướng dẫn xem giá đất theo từng vị trí mảnh đất

Hướng dẫn xem giá đất theo từng vị trí mảnh đất

Nếu nắm rõ hướng dẫn xem giá đất theo từng vị trí mảnh đất trong Bảng giá đất của các tỉnh, thành dưới đây thì người dân hoàn toàn có thể tự mình xác định được giá đất theo từng vị trí và tính được các khoản tiền phải nộp như lệ phí trước bạ, tiền sử dụng đất.

Lưu ý: Giá đất theo từng vị trí thửa đất dưới đây là giá đất được quy định trong Bảng giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

Hướng dẫn xem giá đất theo từng vị trí thửa đất

Bảng giá đất được xây dựng định kỳ 05 năm một lần và được công bố công khai vào ngày 01/01 của năm đầu kỳ. Theo đó, Bảng giá đất hiện nay là kỳ 2020 – 2024, trước đó là kỳ 2015 – 2019. Thông thường giá đất trong 05 năm không có sự thay đổi nhưng một số tuyến đường, một số khu vực được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

* Lý do người dân khó xác định đúng giá đất dù có Bảng giá đất

Mặc dù Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành công bố công khai Bảng giá đất nhưng không phải ai cũng biết cách xem giá đất sao cho chính xác. Nguyên nhân của tình trạng này là giá đất trong Bảng giá đất khá phức tạp nhất là giá đất ở và giá đất phi nông nghiệp khác, cụ thể:

(1) Giá đất ở và giá đất phi nông nghiệp khác tại mỗi tuyến đường, tuyến phố chia thành các vị trí khác nhau gồm: Vị trí 1, vị trí 2, vị trí 3, vị trí 4.

(2) Xác định vị trí đất hoặc khoảng cách của mỗi vị trí đất tính từ mặt đường trong quyết định về Bảng giá đất của các tỉnh, thành là khác nhau.

Ví dụ:

Tại Hà Nội:

– Vị trí 1: áp dụng đối với thửa đất của một chủ sử dụng có ít nhất một cạnh (mặt) giáp với đường (phố) có tên trong Bảng giá đất.

– Vị trí 2: áp dụng đối với thửa đất của một chủ sử dụng có ít nhất một cạnh (mặt) giáp với ngõ, ngách, hẻm (gọi chung là ngõ) có mặt cắt ngõ nhỏ nhất (tính từ chỉ giới hè đường (phố) có tên trong Bảng giá đất tới mốc giới đầu tiên của thửa đất tiếp giáp với ngõ) từ 3,5 m trở lên.

Tại Yên Bái:

Vị trí đất được chia thành 02 loại: Vị trí của đất nông nghiệp và vị trí đất của đất nông nghiệp. Trong đó, vị trí 1, vị trí 2 của đất phi nông nghiệp như sau:

– Vị trí 1: Áp dụng đối với thửa đất có ít nhất một cạnh thửa tiếp giáp chỉ giới hành lang an toàn của đường giao thông chính…

– Vị trí 2: Áp dụng đối với thửa đất trong ngõ của đường giao thông chính, chiều rộng ngõ lớn hơn 3m, cách chỉ giới hành lang an toàn của đường giao thông chính không quá 50m.

(3) Có nhiều tỉnh, thành quy định cụ thể giá đất vị trí 1, không quy định cụ thể vị trí 2, 3, 4

Ví dụ:

Khoản 1 Điều 7 Quy định về Bảng giá đất ban hành kèm theo Quyết định 28/2019/QĐ-UBND của tỉnh Yên Bái nêu rõ: Thửa đất phi nông nghiệp mà có chiều sâu lớn hơn 20 m, tiếp giáp đường giao thông có trong Bảng giá đất, trừ đường liên thôn khác tại các xã, thì giá đất từng phần theo chiều sâu của thửa đất kể từ chỉ giới hành lang an toàn của đoạn đường đó được quy định như sau:

– Diện tích của 20m đầu tiên tính bằng 100% giá đất vị trí 1 của đoạn đường đó.

– Diện tích của chiều sâu từ trên 20m đến 40m tiếp theo tính bằng 50% giá đất vị trí 1 của đoạn đường đó;

– Diện tích của chiều sâu từ trên 40m đến 60m tiếp theo tính bằng 30% giá đất vị trí 1 của đoạn đường đó…

(4) Nhiều thửa đất có vị trí đặc biệt

Về nguyên tắc giá đất tại mỗi vị trí đất có sự khác nhau vì mỗi vị trí có khả năng sinh lợi và điều kiện cơ sở hạ tầng khác nhau. Xuất phát từ lý do đó thì tồn tại những thửa đất có các mặt (cạnh) tiếp giáp từ hai đường (hoặc phố), ngõ trở lên… hoặc một số trường hợp khác thì được coi là trường hợp đặc biệt.

Ví dụ:

Tại tiết a điểm 2.2 khoản 2 Điều 3 Quy định về các loại giá đất trên địa bàn Thành phố Hà Nội ban hành kèm theo Quyết định 30/2019/QĐ-UBND nêu rõ thửa đất có các mặt (cạnh) tiếp giáp từ hai đường (phố), ngõ trở lên thì giá đất được nhân hệ số như sau:

– Thửa đất có ít nhất 04 cạnh tiếp giáp với đường (phố) có tên trong Bảng giá đất thì được nhân hệ số K = 1,3 của đường (phố) có giá đất cao nhất.

– Thửa đất có 03 cạnh tiếp giáp với đường (phố) có tên trong Bảng giá đất thì được nhân hệ số K = 1,25 của đường (phố) có giá đất cao nhất.

– Thửa đất có 02 cạnh tiếp giáp với đường (phố) có tên trong Bảng giá đất thì được nhân hệ số K = 1,2 của đường (phố) có giá đất cao nhất.

* Hướng dẫn xem giá đất theo từng vị trí thửa đất

Bước 1: Phải tìm quyết định hoặc Bảng giá đất hiện đang áp dụng.

Bước 2: Xác định địa chỉ thửa đất cần xem và mục đích sử dụng của thửa đất đó.

Bước 3: Xem vị trí thửa đất hoặc xem thửa đất đó thuộc khu vực nào (đồng bằng, trung du hay miền núi vì một số tỉnh, thành chia đất nông nghiệp thành 03 khu vực trên).

Bước 4: Sau khi thực hiện chính xác các bước trên thì đối chiếu với Bảng giá đất để biết chính xác giá đất.

Ví dụ: Ông A có thửa đất tại mặt đường Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội. Ông A có nhu cầu xem giá đất để tính lệ phí trước bạ.

Bước 1: Tìm Bảng giá đất đang áp dụng theo Quyết định 30/2019/QĐ-UBND.

Bước 2: Địa chỉ thửa đất là đường Cầu Giấy và mục đích đang sử dụng cũng như được quy định trong Sổ đỏ là đất ở.

Bước 3: Vị trí thửa đất của ông A là vị trí 1 thuộc mặt đường Cầu Giấy

Bước 4: Giá đất ở thửa đất của ông A là 55.680.000 đồng (55,68 triệu đồng).

Lệ phí trước bạ 01 m2 đất của ông A là 278.000 đồng (55.680.000 đồng x 0,5%).

Lưu ý: LuatVietnam đã xây dựng Bảng tra cứu giá đất của 63 tỉnh, thành trong cả nước nhưng khi để biết chính xác giá đất trong nhiều trường hợp cần phải xem thêm quy định về vị trí thửa đất, khu vực,…

huong dan xem gia dat

Giá đất theo từng vị trí thửa đất sử dụng để làm gì?

Căn cứ khoản 2 Điều 114 Luật Đất đai 2013, giá đất theo từng vị trí thửa đất trong Bảng giá đất được sử dụng để làm căn cứ trong các trường hợp sau:

(1) Tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân đối với phần diện tích trong hạn mức; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở đối với phần diện tích trong hạn mức giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân;

(2) Tính thuế sử dụng đất (thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế sử dụng đất nông nghiệp nộp định kỳ hàng năm).

(3) Tính phí và lệ phí trong quản lý, sử dụng đất đai như lệ phí trước bạ, phí thẩm định hồ sơ khi đăng ký sang tên.

(4) Tính tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai khi người sử dụng đất có hành vi vi phạm hành chính.

(5) Tính tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý và sử dụng đất đai;

(6) Tính giá trị quyền sử dụng đất để trả cho người tự nguyện trả lại đất cho Nhà nước đối với trường hợp đất trả lại là đất Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất có thu tiền sử dụng đất, đất thuê trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.

Nguồn luatvietnam.vn