Những lưu ý giúp mua nhà đang thế chấp ngân hàng an toàn
Mua nhà đang thế chấp có thể mang lại nhiều cơ hội hấp dẫn, nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro nếu người mua không nắm rõ quy trình và các yếu tố cần xem xét. Trong bài viết này, Công chứng Kim Cúc sẽ cung cấp những lưu ý quan trọng giúp đảm bảo quá trình mua nhà đang thế chấp tại ngân hàng diễn ra một cách an toàn, giúp bạn tự tin hơn khi đưa ra quyết định. Hãy cùng tìm hiểu những kinh nghiệm quý báu để biến giấc mơ sở hữu ngôi nhà lý tưởng thành hiện thực một cách an toàn nhất.
Những rủi ro khi mua nhà đang thế chấp
Việc mua bán nhà đất đang được thế chấp tại ngân hàng chứa đựng nhiều rủi ro. Trước hết, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được ngân hàng giữ lại khi nhà đất đang thế chấp. Điều này khiến người mua không thể nắm rõ các thông tin chi tiết liên quan đến thửa đất và ngôi nhà muốn mua.
Thứ hai, là rủi ro về khả năng xảy ra tranh chấp giữa các đồng sở hữu, dẫn đến khó khăn trong quá trình mua bán.
Ngoài ra, thủ tục sang tên chuyển nhượng sẽ phức tạp, mất nhiều thời gian hơn do có sự tham gia của ngân hàng – bên nhận thế chấp.
Quy định về chuyển nhượng nhà đất thế chấp
Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, bên thế chấp có thể bán, trao đổi, hoặc tặng cho tài sản thế chấp không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh, với điều kiện được sự đồng ý của bên nhận thế chấp hoặc theo quy định của pháp luật.
Như vậy, để chuyển nhượng đất đang thế chấp ngân hàng, ngoài việc phải đáp ứng các điều kiện như trong trường hợp thông thường, còn cần phải có sự đồng ý của bên nhận thế chấp là ngân hàng.
Những lưu ý giúp mua nhà đang thế chấp an toàn
Xác minh tính chính xác của nhà đất thế chấp
Khi mua nhà đang thế chấp tại ngân hàng, bên mua cần xác định liệu tài sản đó thực sự đang được thế chấp tại ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác hay không qua những cách thức như sau:
#1. Yêu cầu sổ đỏ bản photocopy và kiểm tra lịch sử giao dịch: Người mua có thể yêu cầu người bán cung cấp bản photocopy của sổ đỏ, sau đó đề nghị công chứng viên tại Văn phòng công chứng tra cứu thông tin lịch sử giao dịch của nhà đất đó.
#2. Yêu cầu Hợp đồng thế chấp: Người mua có thể yêu cầu người bán cung cấp Hợp đồng thế chấp, vì trong đó có mô tả chi tiết về tài sản thế chấp. Từ hợp đồng này, người mua có thể yêu cầu thêm thông tin cá nhân của chủ sở hữu như chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, hộ khẩu, đăng ký kết hôn hoặc xác nhận độc thân. Tuy nhiên, phương pháp này có rủi ro vì giấy tờ có thể bị làm giả.
#3. Xác minh trực tiếp tại ngân hàng: Người mua có thể yêu cầu người bán đưa trực tiếp đến ngân hàng để gặp nhân viên tín dụng đang xử lý hồ sơ vay. Đây là cách xác minh tối ưu nhất, giúp người mua kiểm tra chính xác xem nhà đất đó có đúng là đang được thế chấp hay không và xác nhận được người đứng vay trên hợp đồng thế chấp, thủ tục giải chấp.
Những phương pháp này sẽ giúp người mua xác nhận chính xác xem nhà đất có thực sự đang được thế chấp và đúng người chủ sở hữu đang đứng tên trong hợp đồng thế chấp hay không.
Mua nhà đang thế chấp khi bên nhận thế chấp đồng ý cho chuyển nhượng
Sau bước xác minh bên trên, trong trường hợp ngân hàng là bên nhận thế chấp chấp thuận bằng văn bản về việc cho phép chuyển nhượng, người nhận chuyển nhượng có thể hoàn toàn yên tâm thực hiện giao dịch. Khi đó, thủ tục chuyển nhượng được thực hiện theo đúng quy định, bao gồm:
Bước 1: Công chứng hoặc chứng thực hợp đồng chuyển nhượng.
Bước 2: Khai thuế và các phí liên quan đến chuyển nhượng.
Bước 3: Đăng ký biến động tại cơ quan đăng ký đất đai.
Trong đó, bước 2 và 3 có thể được thực hiện cùng lúc nếu bên nhận chuyển nhượng nộp thuế thu nhập cá nhân thay cho bên chuyển nhượng.
Mua nhà đang thế chấp bằng cách giải chấp
Một phương án khác rất phổ biển để mua nhà đang thế chấp là bên bán có thể ký kết một Hợp đồng đặt cọc với số tiền tương đương khoản nợ ngân hàng. Tiếp theo, người mua nên cùng người bán đến ngân hàng để thực hiện các thủ tục trả nợ và giải chấp hoặc ủy quyền cho bên mua thực hiện việc giải chấp tại cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm. Sau khi quá trình giải chấp hoàn tất, hai bên có thể ký Hợp đồng công chứng mua bán nhà, đất và thực hiện thủ tục sang tên sổ đỏ như thông thường.
Trong bước đặt cọc, người mua nên cùng bên bán ký hợp đồng đặt cọc tại ngân hàng và chuyển tiền cho ngân hàng nhận thế chấp để tiến hành trả nợ và thủ tục giải chấp.
Hy vọng bài viết trên đây đã giúp bạn nắm rõ được những lưu ý giúp mua nhà đang thế chấp tại ngân hàng một cách an toàn. Mọi thắc mắc liên quan đến tư vấn pháp luật hoặc các dịch vụ công chứng đảm bảo an toàn pháp lý, vui lòng liên hệ Văn phòng Công chứng Phan Thị Kim Cúc!
- Điện thoại: 028 376 55 666
- Hotline: 0917 329 123
- Fanpage: Congchungkimcuc