Hướng dẫn thủ tục góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ
Quyền sở hữu trí tuệ không chỉ là công cụ bảo vệ sự sáng tạo mà còn là nguồn lực góp vốn giá trị trong các hoạt động kinh doanh và phát triển doanh nghiệp. Trong bài viết dưới đây, hãy cùng Công chứng Kim Cúc tìm hiểu các quy định pháp luật và thủ tục góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ. Qua đó giúp bạn hiểu rõ hơn về quyền lợi và cách thức của việc tận dụng tài sản trí tuệ để góp vốn vào doanh nghiệp.
Quy định góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ
Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ 2009, quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.
Bên cạnh đó, Luật Doanh nghiệp 2020 quy định tài sản góp vốn để thành lập công ty hoặc góp thêm vốn điều lệ của công ty đã được thành lập bao gồm: Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.
Như vậy, quyền sở hữu trí tuệ là một loại tài sản có thể sử dụng để góp vốn, nhưng phải đáp ứng một số điều kiện sau:
- Phải có giấy tờ xác nhận quyền sở hữu trí tuệ từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Quyền sở hữu trí tuệ phải do chính chủ sở hữu là người được ghi tên trên văn bằng bảo hộ hoặc người được cơ quan thẩm quyền cấp giấy xác nhận quyền sở hữu trí tuệ đem ra góp vốn.
Thủ tục góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ
Thủ tục góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ được thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Định giá tài sản
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, tài sản góp vốn là quyền sở hữu trí tuệ phải được các thành viên, cổ đông sáng lập định giá dựa trên sự đồng thuận hoặc tổ chức thẩm định giá định giá và được thể hiện thành Đồng Việt Nam.
Trong trường hợp tổ chức thẩm định giá định giá thì giá trị quyền sở hữu trí tuệ được góp vốn phải được hơn 50% số thành viên, cổ đông sáng lập đồng ý.
Nếu quyền sở hữu trí tuệ góp vốn được định giá cao hơn giá trị thực tế của nó tại thời điểm góp vốn, thì các thành viên hoặc cổ đông sáng lập sẽ phải cùng chịu trách nhiệm góp thêm số tiền chênh lệch giữa giá trị định giá và giá trị thực tế của quyền sở hữu trí tuệ vào thời điểm định giá kết thúc. Đồng thời, họ cũng phải chịu trách nhiệm về thiệt hại nếu có cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.
Bước 2: Lập hợp đồng góp vốn
Sau khi định giá xong, các bên liên quan sẽ soạn thảo và ký kết hợp đồng góp vốn. Hợp đồng này cần ghi rõ thông tin về quyền sở hữu trí tuệ, giá trị góp vốn, thời hạn góp vốn và các điều khoản khác liên quan đến việc góp vốn.
Bước 3: Chuyển quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp
Cuối cùng, bên góp vốn cần thực hiện việc chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ sang cho doanh nghiệp theo các quy định của pháp luật.
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, khi góp vốn vào doanh nghiệp, tài sản quyền sở hữu trí tuệ phải được chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp. Vì vậy, các cá nhân hoặc tổ chức góp vốn cần cập nhật thông tin quyền sở hữu trí tuệ tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phản ánh sự thay đổi chủ sở hữu.
Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ 2005, việc chuyển nhượng quyền sở hữu các đối tượng như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, quyền sở hữu công nghiệp, và quyền đối với giống cây trồng phải được thực hiện bằng hợp đồng văn bản. Do đó, các cá nhân hoặc tổ chức muốn chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp cần lập hợp đồng bằng văn bản để thực hiện việc chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ đó.
Hy vọng bài viết trên đây đã giúp bạn nắm được những quy định và thủ tục góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ. Mọi thắc mắc liên quan đến tư vấn pháp luật hoặc các dịch vụ công chứng đảm bảo an toàn pháp lý, vui lòng liên hệ Văn phòng Công chứng Phan Thị Kim Cúc!
- Điện thoại: 028 376 55 666
- Hotline: 0917 329 123
- Fanpage: Congchungkimcuc