Bên được ủy quyền có được ủy quyền lại cho người khác không?
Trong các giao dịch dân sự, việc lập văn bản ủy quyền là hình thức phổ biến để người được ủy quyền thay mặt thực hiện một hoặc nhiều công việc theo thỏa thuận. Tuy nhiên, thực tế phát sinh không ít trường hợp bên được ủy quyền không thể tiếp tục thực hiện nghĩa vụ và mong muốn chuyển giao quyền này cho người khác. Vậy, pháp luật có cho phép bên được ủy quyền ủy quyền lại cho người thứ ba hay không? Hãy cùng Công chứng Kim Cúc giải đáp qua bài viết dưới đây.
Ủy quyền là gì?
Hiện nay, các văn bản pháp luật chưa đưa ra khái niệm cụ thể về “ủy quyền”. Tuy nhiên, căn cứ vào quy định về hợp đồng ủy quyền trong Bộ luật Dân sự 2015, có thể hiểu rằng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó một bên (người được ủy quyền) sẽ thay mặt bên còn lại (người ủy quyền) để thực hiện một hoặc nhiều công việc nhất định.
Ủy quyền là một hình thức thể hiện quyền đại diện, thường được sử dụng khi người ủy quyền không thể trực tiếp thực hiện công việc. Tuy nhiên, việc ủy quyền không có nghĩa là chuyển giao toàn bộ quyền của người ủy quyền, mà chỉ giới hạn trong phạm vi công việc và thời gian cụ thể đã được thỏa thuận.
Trường hợp các bên không xác định thời hạn và pháp luật không có quy định cụ thể, thì thời gian hiệu lực của việc ủy quyền được mặc định là 01 năm kể từ ngày xác lập.
Bên được ủy quyền có được ủy quyền lại cho người khác không?
Theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015, bên được ủy quyền được phép ủy quyền lại cho người khác trong một số trường hợp nhất định, cụ thể như sau:
- Khi có sự đồng ý của bên ủy quyền: Trong thực tế, vì lý do khách quan hoặc chủ quan, bên được ủy quyền có thể không thể tiếp tục thực hiện công việc đã được giao. Trong trường hợp này, nếu bên ủy quyền không thể trực tiếp chỉ định người thay thế, thì bên được ủy quyền có thể đề xuất một người khác đủ tin cậy để thực hiện công việc đó, nhưng phải được sự đồng ý của bên ủy quyền.
- Do sự kiện bất khả kháng nếu không áp dụng ủy quyền lại thì mục đích xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vì lợi ích của người ủy quyền không thể thực hiện được: Nếu có tình huống bất khả kháng khiến bên được ủy quyền không thể thực hiện nghĩa vụ theo ủy quyền, và nếu không ủy quyền lại thì mục tiêu của giao dịch dân sự sẽ không đạt được, thì bên được ủy quyền có thể chủ động ủy quyền lại cho người khác nhằm đảm bảo quyền lợi và mục đích ban đầu của bên ủy quyền được thực hiện.
Những lưu ý khi ủy quyền lại
Như vậy, trong những trường hợp luật định như trên, người được ủy quyền có thể chuyển giao quyền này cho người khác thông qua việc ủy quyền lại. Tuy nhiên, khi thực hiện việc này, còn cần chú ý đến các nguyên tắc được quy định tại Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể:
- Phạm vi ủy quyền lại không được vượt quá phạm vi ủy quyền ban đầu đã được thỏa thuận.
- Hình thức của hợp đồng ủy quyền lại phải tương ứng và phù hợp với hình thức của hợp đồng ủy quyền ban đầu.
Một số trường hợp không được phép ủy quyền
Sau đây là một số trường hợp không được ủy quyền theo quy định pháp luật:
- Đăng ký kết hôn: Hai bên phải trực tiếp có mặt, không được ủy quyền (Luật Hộ tịch 2014).
- Ly hôn: Không được ủy quyền tham gia tố tụng, chỉ được ủy quyền nộp hồ sơ, án phí (Bộ luật Tố tụng dân sự 2015).
- Gửi tiết kiệm: Phải trực tiếp thực hiện tại ngân hàng, trừ trường hợp gửi online (Thông tư 48/2018/TT-NHNN).
- Công chứng di chúc: Người lập di chúc phải tự mình yêu cầu công chứng, không được ủy quyền (Luật Công chứng 2024).
- Cấp phiếu lý lịch tư pháp số 2: Người yêu cầu phải tự thực hiện, không được ủy quyền (Luật Lý lịch tư pháp 2009).
Hy vọng bài viết trên đây đã giúp bạn nắm được quy định và những lưu ý về việc ủy quyền lại. Mọi hỗ trợ liên quan đến tư vấn pháp luật hoặc các dịch vụ công chứng, chứng thực đảm bảo an toàn pháp lý, vui lòng liên hệ Văn phòng Công chứng Phan Thị Kim Cúc!
- Điện thoại: 028 376 55 666
- Hotline: 0917 329 123
- Fanpage: Congchungkimcuc