Skip to main content

Văn phòng công chứng Phan Thị Kim Cúc

Hotline: 0917 329 123 Email: congchungkimcuc@gmail.com
Dự kiến cách thức tổ chức của phiên tòa trực tuyến

Dự kiến cách thức tổ chức của phiên tòa trực tuyến

Hiện nay vấn đề dịch bệnh Covid 19 đã và đang ảnh hưởng rất nhiều tới quá trình giải quyết vụ án. Và để bảo vệ sức khỏe cho người dân thì trong thời gian sắp tới sẽ có nhiều phiên tòa trực tuyến được diễn ra. Vậy cách thức tổ chức thế nào? Hãy cùng Văn phòng công chứng Phan Thị Kim Cúc khám phá qua bài viết dưới đây nhé.

Những vụ án nào sẽ được xét xử trực tuyến ?

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 1, Nghị quyết số 33/2021/QH15 thì Tòa án nhân dân được tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng. Vậy để vụ án được xét xử trực tuyến phải có 02 điều kiện:

  • Là phiên tòa sơ thẩm hoặc phiên tòa phúc thẩm của vụ án dân sự, hình sự, hành chính.
  • Vụ án đó phải có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng

Như vậy, Tòa án có thể tổ chức phiên tòa để xét xử vụ án sơ thẩm hoặc xét xử phúc thẩm, còn Phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm không nằm trong phạm vi được tổ chức phiên tòa trực tuyến. Đồng thời các vụ án dân sự, hình sự, hành chính này có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng thì mới được tổ chức còn nếu là tòa sơ thẩm, phúc thẩm nhưng vụ án có tính chất phức tạp, chứng cứ không rõ ràng thì cũng không được mở phiên tòa trực tuyến. Và nếu đáp ứng được các điều kiện trên nhưng rơi vào các trường hợp sau thì cũng không được tổ chức phiên tòa trực tuyến, gồm:

  • Vụ án hình sự, dân sự, hành chính liên quan đến bí mật nhà nước
  • Vụ án hình sự về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII của Bộ luật Hình sự
  • Vụ án hình sự về một trong các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXVI của Bộ luật Hình sự.

Trình tự tổ chức phiên tòa trực tuyến dự kiến sẽ được tổ chức như thế nào ?

Căn cứ vào Điều 9, Điều 10, Điều 11 của Dự thảo số 02 Thông tư Ban hành quy chế tổ chức phiên tòa trực tuyến thì việc chuẩn bị tổ chức phiên tòa trực tuyến được tổ chức như sau:

Thông báo về việc tổ chức phiên tòa trực tuyến

  • Dự kiến ít nhất 07 ngày trước khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải xem xét, đánh giá nếu vụ việc thuộc trường hợp được tổ chức phiên tòa trực tuyến thì giải quyết như sau:
  • Thông báo cho bị cáo, bị hại, đương sự, cơ sở giam giữ  trong thời hạn 03 ngày làm việc gửi văn bản đề nghị của mình về ý kiến mở phiên tòa trực tuyến đến Tòa án.
  • Sau khi bị cáo, bị hại, đương sự, cơ sở giam giữ có văn bản đề nghị mở phiên tòa trực tuyến, Tòa án gửi văn bản dự kiến tổ chức phiên tòa trực tuyến đến Viện kiểm sát có thẩm quyền để có ý kiến.
  • Văn bản dự kiến tổ chức phiên tòa trực tuyến nêu rõ cơ sở đề nghị và đề nghị Viện kiểm sát trong thời hạn 03 ngày làm việc có ý kiến về tổ chức phiên tòa trực tuyến.
  • Ra quyết định đưa vụ án ra xét xử nếu Viện kiểm sát có văn bản đồng ý. Quyết định này ghi đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật tố tụng và phải ghi rõ phiên tòa được tổ chức trực tuyến; điểm cầu trung tâm và điểm cầu thành phần.

Triệu tập tham gia phiên tòa trực tuyến

  • Tòa án có thẩm quyền thụ lý, xét xử vụ án triệu tập người tham gia tố tụng ghi rõ phiên tòa được tổ chức trực tuyến và địa điểm tham gia.
  • Ngoài việc gửi giấy triệu tập cho bị hại, đương sự, Tòa án gửi kèm theo một số yêu cầu khi tham gia phiên tòa trực tuyến quy định tại Điều 13 của Thông tư này.

Phối hợp chuẩn bị phiên tòa trực tuyến

  • Tòa án đang thụ lý giải quyết vụ án hình sự, hành chính, dân sự phối hợp với cơ quan có liên quan bố trí, chuẩn bị điểm cầu thành phần trực tuyến bảo đảm quy định tại khoản 2 Điều 7 của Thông tư này. Chậm nhất 01 giờ trước khi diễn ra phiên tòa trực tuyến, điểm cầu trung tâm phải tổ chức kết nối xong với các điểm cầu thành phần kiểm tra kỹ thuật bảo đảm các điểm cầu đều nhìn thấy hình ảnh và nghe rõ âm thanh của nhau; các chức năng bật/tắt âm thanh đặt ở chế độ sẵn sàng hoạt động.
  • Tòa án đang thụ lý giải quyết vụ án hình sự, hành chính, dân sự phải thông báo cho Tòa án hoặc cơ sở giam giữ tham gia hỗ trợ tổ chức phiên tòa trực tuyến tại điểm cầu thành phần; đương sự, bị hại, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, bị hại biết về tài khoản, mật khẩu để kết nối với hệ thống trực tuyến của Tòa án trong trường hợp họ không tham gia phiên tòa tại điểm cầu trung tâm; điểm cầu thành phần phải bảo đảm các điều kiện kỹ thuật theo quy định tại khoản 2 Điều 7, khoản 1 Điều 8 của Thông tư này; phối hợp với điểm cầu trung tâm kiểm tra kỹ thuật, chất lượng tín hiệu hình ảnh, âm thanh của hệ thống trực tuyến và kết nối xong chậm nhất 01 giờ trước khi diễn ra phiên tòa trực tuyến.

Trình tự, thủ tục tố tụng tại phiên tòa trực tuyến được thực hiện như phiên tòa thông thường theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính theo quy định tại Khoản 1, Điều 14 của Dự thảo thông tư này.

Quyền và nghĩa vụ của các đương sự khi tham gia phiên tòa trực tuyến ?

Theo quy tại Điều 6, Điều 9 và Điều 13, Dự thảo Thông tư Ban hành quy chế tổ chức phiên tòa trực tuyến thì đương sự khi tham gia phiên tòa trực tuyến ngoài các quyền và nghĩa vụ được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luât Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính ứng với các vụ án cụ thể thì đương sự trong phiên tòa trực tuyến còn có các quyền và nghĩa vụ sau:

Quyền lợi

Được đề nghị mở phiên tòa trực tuyến theo Điểm a, Khoản 2, Điều 6, Dự thảo Thông tư này

Được Tòa án thông báo trong thời hạn 03 ngày làm việc gửi văn bản đề nghị của mình về ý kiến mở phiên tòa trực tuyến đến Tòa án theo quy định tại Điều 9, Dự thảoThông tư này

Nghĩa vụ

  • Tuân thủ quy định nội quy Phòng xử án.
  • Luôn để thiết bị điện tử ở trạng thái mở carema; tắt âm thanh micro, trừ trường hợp được yêu cầu phát biểu.
  • Không được tạo các tạp âm khác trong khi thiết bị điện tử đang để chế độ mở tiếng, gây ảnh hưởng đến phiên tòa.
  • Người tham gia phiên tòa phải mặc trang phục nghiêm chỉnh; không đứng dậy hay rời đi trong thời gian xét xử khi chưa được chủ tọa phiên tòa cho phép; không chụp ảnh, ghi âm, ghi hình, ghi hình có âm thanh hoặc phát tán tài liệu hoặc phát tán thông tin tài khoản đăng nhập vào hệ thống xét xử trực tuyến, phát trực tiếp phiên tòa trên không gian mạng.
  • Đương sự, bị hại, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự tham gia phiên tòa trực tuyến phải xuất trình giấy tờ tùy thân như chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu/thẻ luật sư/thẻ trợ giúp viên pháp lý để đối chiếu.
  • Trường hợp đương sự ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng thì người được ủy quyền còn phải xuất trình văn bản ủy quyền.

” alt=”” aria-hidden=”true” />

Kiến nghị hoàn thiện dự thảo thông tư về hướng dẫn tổ chức phiên tòa trực tuyến

Sau đây là một số kiến nghị nhằm hoàn thiện dự thảo thông tư về hướng dẫn tổ chức phiên tòa trực tuyến:

  • Nhằm đảm bảo tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật cần liệt kê logic vụ án nào trước, vụ án nào sau. Cụ thể, trong Dự thảo Thông tư chưa có sự logic trong việc liệt kê các vụ án.Trong Dự thảo Quy chế các vụ án, cụ thể là vụ án dân sự và vụ án hành chính được liệt kê không theo thứ tự, có nhiều điều khoản liệt kê vụ án dân sự trước rồi tới vụ án hành chính; có trường hợp lại liệt kê ngược lại. Ví dụ quy định tại Khoản 1, Điều 5 và khoản 2 Điều 6
  • Cần có quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của người tham ga tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng trong phiên tòa trực tuyến. Việc quy định chung chung sẽ gây ảnh hưởng quyền và lợi ích của người tham gia tố tụng cũng như gây khó khăn cho cơ quan tố tụng trong việc tổ chức phiên tòa
  • Cần bổ sung vào Điều 3 Dự thảo từ ngữ được sử dụng trong Quy chế cụm từ “người tham gia tố tụng” và sử dụng thống nhất cụm từ này trong Dự thảo Quy chế để tránh các trường hợp liệt kê người tham gia tố tụng bị thiếu. Trong Dự thảo Quy chế liệt kê trong các điều khoản cụm từ bị cáo, bị hại, đương sự, người bào chữa, người đại diện, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, bị hại… Việc liệt kê các cụm từ này trong một số điều khoản bị thiếu
  • Dự thảo Quy chế cần bổ sung cách thức ghi những sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu của Kiểm sát viênvà những người tham gia tố tụng trong biên bản phiên tòa.  Dự thảo Quy chế chưa đề cập việc cách thức ghi những sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu của Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng trong biên bản phiên tòa. Cụ thể là tại Điểm đ khoản 2 Điều 14 Dự thảo Thông tư
  • Quy định rõ việc bị hại, người đại diện hợp pháp của bị cáo, người bào chữa cũng như người tham gia tố tụng khác trong vụ án hình sự sơ thẩm hoặc người tham gia tố tụng khác trong vụ án hành chính, dân sự không đồng ý việc tổ chức phiên tòa trực tuyên thì phiên tòa có được diễn ra hay không?

Nguồn: Luật Long Phan