Hướng dẫn thủ tục góp vốn thành lập doanh nghiệp
Khi thành lập một doanh nghiệp, việc góp vốn là một trong những thủ tục quan trọng và cần tuân thủ theo đúng các quy định pháp lý. Hãy cùng Công chứng Kim Cúc tìm hiểu chi tiết về quy định pháp lý, thủ tục góp vốn, thời hạn góp vốn cũng như các hình thức xử phạt khi không góp đủ vốn theo luật định.
Quy định pháp lý về góp vốn thành lập doanh nghiệp
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, góp vốn là hành động đóng góp tài sản nhằm tạo ra vốn điều lệ cho công ty hoặc đóng góp thêm vốn vào công ty đã được thành lập trước đó.
Luật cũng quy định, tài sản góp vốn là tài sản có thể được định giá bằng Đồng Việt Nam, bao gồm tiền mặt, ngoại tệ, vàng, quyền sử dụng đất đai, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật và tài sản khác có thể định giá.
Có một số ngành, nghề kinh doanh cần tuân thủ số vốn tối thiểu để thành lập doanh nghiệp theo quy định tại Luật chuyên ngành và các văn bản hướng dẫn thi hành. Một số ví dụ về mức vốn pháp định của các ngành nghề như:
- Ngân hàng thương mại: 3000 tỷ đồng.
- Kinh doanh bảo hiểm, bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm liên kết đơn vị và bảo hiểm hưu trí (Bảo hiểm nhân thọ): 1000 tỷ đồng.
- Thành lập trường đại học tư thục: 1000 tỷ đồng (không bao gồm giá trị đất xây dựng trường).
- Kinh doanh dịch vụ phát hành và phổ biến phim: 200 triệu đồng.
- …
Thủ tục góp vốn thành lập doanh nghiệp
#1. Xác định tài sản góp vốn
Khi thành lập doanh nghiệp, các thành viên, cổ đông cần xác định rõ tài sản mình sẽ góp vốn, bao gồm loại tài sản, giá trị tài sản và tỷ lệ góp vốn của từng thành viên.
#2. Định giá tài sản góp vốn
Khi thực hiện thủ tục góp vốn, tài sản góp vốn phải được định giá một cách hợp lý, công bằng và phù hợp với giá trị thực tế của tài sản theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020. Việc định giá tài sản góp vốn có thể do các thành viên, cổ đông tự định giá hoặc do tổ chức định giá độc lập thực hiện.
#3. Chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn
Bước tiếp theo khi thực hiện thủ tục góp vốn là thực hiện chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, thành viên của công ty TNHH, công ty hợp danh và cổ đông của công ty cổ phần phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty trong các trường hợp sau:
- Trường hợp tài sản có đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đất: người góp vốn phải thực hiện các thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản hoặc quyền sử dụng đất cho công ty theo quy định của pháp luật. Việc chuyển quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đất đối với tài sản góp vốn không phải chịu lệ phí trước bạ.
- Trường hợp tài sản không có đăng ký quyền sở hữu, người góp vốn phải giao nhận tài sản góp vốn bằng biên bản xác nhận, trừ khi việc này được thực hiện thông qua tài khoản. Nội dung biên bản xác nhận cần nêu đầy đủ và rõ ràng thông tin của hai bên, thông tin về tài sản và giá trị tài sản góp vốn, tỉ lệ giá trị tài sản trong tổng vốn điều lệ của công ty, ngày giao nhận và xác nhận của các bên.
#4. Ghi nhận tư cách thành viên
Bước tiếp theo khi thực hiện thủ tục góp vốn là doanh nghiệp cần ghi nhận tư cách thành viên, cụ thể với các loại hình doanh nghiệp như sau:
- Với Công ty TNHH một thành viên: thủ tục góp vốn được hoàn tất khi chủ sở hữu chuyển quyền sở hữu tài sản đã đăng ký góp vốn.
- Với Công ty TNHH hai thành viên: sau khi thành viên thực hiện chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn, công ty cần cấp Giấy chứng nhận phần vốn góp và lập Sổ đăng ký thành viên.
- Với Công ty Cổ phần: công ty cần cấp Giấy chứng nhận sở hữu cổ phần và lập Sổ đăng ký cổ đông.
- Với Công ty Hợp danh: cần cấp Giấy chứng nhận phần vốn góp cho thành viên hợp danh.
Quy định về thời hạn góp vốn và mức xử phạt
Thời hạn góp vốn
Theo quy định của pháp luật, thành viên công ty TNHH và cổ đông công ty cổ phần phải góp đủ vốn trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định thời hạn khác ngắn hơn.
Xử phạt khi không góp đủ vốn
Việc góp vốn vào doanh nghiệp là trách nhiệm của các thành viên và cổ đông. Số vốn góp thực tế phải đúng với số vốn đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh.
Trường hợp các thành viên, cổ đông không góp đủ vốn theo đúng thời hạn quy định, doanh nghiệp sẽ phải thực hiện các biện pháp sau:
- Thực hiện giảm vốn điều lệ tương ứng với số vốn góp thực tế.
- Hoặc với trường hợp là công ty cổ phần, công ty cần phải mua lại số sổ phần của cổ đông.
Theo quy định của Nghị định 50/2016/NĐ-CP, công ty có thể bị phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng nếu không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn điều lệ.
Góp vốn là một trong những thủ tục quan trọng khi thành lập doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần nắm rõ các quy định pháp lý về thủ tục góp vốn, đảm bảo thực hiện đúng thủ tục và thời hạn góp vốn để tránh các rủi ro về xử phạt. Bên cạnh đó, các thành viên, cổ đông cũng cần chủ động và có trách nhiệm trong việc góp vốn để doanh nghiệp có đủ nguồn lực hoạt động. Mọi thắc mắc liên quan đến tư vấn pháp luật hoặc các dịch vụ công chứng đảm bảo an toàn pháp lý, vui lòng liên hệ Văn phòng Công chứng Phan Thị Kim Cúc!
- Điện thoại: 028 376 55 666
- Hotline: 0917 329 123
- Fanpage: Congchungkimcuc