Skip to main content

Văn phòng công chứng Phan Thị Kim Cúc

Hotline: 0917 329 123 Email: congchungkimcuc@gmail.com
Lập di chúc có cần chữ ký của tất cả các con không?

Lập di chúc có cần chữ ký của tất cả các con không?

Lập di chúc để lại tài sản của mình cho người khác sau khi chết là việc không còn quá xa lạ trong cuộc sống hiện nay, Tuy nhiên, khá nhiều người thắc mắc, lập di chúc có cần chữ ký của tất cả các con không?

Di chúc là gì? Có cần các con đồng ý để lập di chúc không?

Tại Điều 624 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm  2015, di chúc được định nghĩa như sau:

Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.

Từ quy định này có thể thấy, di chúc là văn bản được lập ra khi một người có tài sản và muốn để tài sản của mình cho người khác sau khi người đó chết. Đồng thời, có thể khẳng định, di chúc là ý chí của riêng người để lại tài sản mà không phụ thuộc vào các cá nhân khác.

Ngoài ra, về người lập di chúc, Điều 625 BLDS nêu rõ:

1. Người thành niên có đủ điều kiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 630 của Bộ luật này có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình.

2. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi được lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.

Theo đó, Bộ luật Dân sự đã khẳng định, người thành niên có toàn quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình. Không chỉ vậy, về quyền của người lập di chúc, Điều 626 BLDS nêu rõ các quyền như sau:

– Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế;

– Phân định phần di sản cho từng người thừa kế;

– Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng;

– Giao nghĩa vụ cho người thừa kế;

– Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.

Đồng thời, trong khi lập di chúc, người lập di chúc phải minh mẫn, sáng suốt, không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép (căn cứ điểm a khoản 1 Điều 630 BLDS).

Như vậy, từ các căn cứ trên, có thể thấy cha, mẹ khi lập di chúc có toàn quyền định đoạt tài sản của mình mà không phải phụ thuộc vào bất cứ cá nhân, tổ chức nào, kể cả con cái của người đó.

Hay nói cách khác, cha, mẹ khi lập di chúc thì không cần phải có sự đồng ý của các con. Việc quyết định ai là người được hưởng di sản thừa kế và hưởng phần di sản thừa kế như thế nào hoàn toàn dự vào ý chí của chính người lập di chúc là cha hoặc mẹ.

di chuc co can chu ky cua tat ca cac con khong

Lập di chúc có cần chữ ký của tất cả các con không? (Ảnh minh họa)

Các con có phải ký tên vào di chúc của cha, mẹ không?

Hiện nay, tại Bộ luật Dân sự, di chúc có thể lập bằng văn bản hoặc di chúc miệng. Theo đó, di chúc chỉ có chữ ký của người không phải người lập di chúc trong các trường hợp sau:

1/ Di chúc miệng

Di chúc trong trường hợp này chỉ được coi là hợp pháp nếu thỏa mãn các điều kiện nêu tại khoản 5 Điều 630 BLDS sau đây:

– Người để lại di chúc thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất 02 người làm chứng;

– Ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ;

– Trong vòng 05 ngày sau này người để lại di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, di chúc phải được cơ quan có thẩm quyền hoặc công chứng viên chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.

Do đó, trong trường hợp này, di chúc sẽ có chữ ký hoặc điểm chỉ của 02 người làm chứng và xác nhận chữ ký của người làm chứng do cơ quan có thẩm quyền hoặc công chứng viên thực hiện.

2/ Di chúc bằng văn bản có người làm chứng

Trường hợp này, Điều 634 BLDS quy định, di chúc bằng văn bản có người làm chứng nếu đáp ứng điều kiện:

– Người lập di chúc không tự mình viết bản di chúc thì có thể tự mình đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy bản di chúc;

– Phải có ít nhất 02 người làm chứng;

– Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng;

– Những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc.

Do đó, trường hợp này, di chúc phải có cả chữ ký của người lập di chúc và người làm chứng.

Về điều kiện của người làm chứng, Điều 632 BLDS quy định:

Mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây:

1. Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc;

Trong đó:

– Người thừa kế theo di chúc là người được hưởng di sản thừa kế nêu trong bản di chúc hoặc các đối tượng được hưởng di sản không phụ thuộc di chúc theo khoản 1 Điều 644 BLDS:

  • Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
  • Con thành niên mà không có khả năng lao động.

– Người thừa kế theo pháp luật là các đối tượng nêu tại Điều 651 BLDS với 03 hàng thừa kế:

  • Hàng thừa kế thứ nhất: Vợ, chồng, cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
  • Hàng thừa kế thứ hai: Ông bà nội, ông bà ngoại, anh chị em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông bà nội, ông bà ngoại;
  • Hàng thừa kế thứ ba: Cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Như vậy, trong di chúc của cha, mẹ, những người con không được phép làm chứng. Đồng nghĩa, bản di chúc của cha, mẹ không thể có chữ ký của các người con.

Liên hệ tư vấn:

  • Địa chỉ: 792 Lê Trọng Tấn, Phường Bình Hưng Hòa, Bình Tân HCM
  • Điện thoại: 028 376 55 666
  • Hotline: 0917 329 123