Tổng hợp các trường hợp ủy quyền phải lập thành văn bản
Ủy quyền là hoạt động diễn ra rất phổ biến song những vấn đề xoay quanh ủy quyền không đơn giản. Chỉ riêng các trường hợp ủy quyền phải lập thành văn bản cũng là thắc mắc của không ít người.
Ủy quyền là gì? Văn bản ủy quyền là gì?
Ủy quyền được hiểu đơn giản là việc cá nhân, pháp nhân cho phép một cá nhân, pháp nhân khác thay mặt mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự (theo khoản 1 Điều 134 Bộ luật Dân sự năm 2015).
Việc ủy quyền được thể hiện bằng lời nói, bằng hành vi cụ thể hoặc bằng văn bản. Trong đó, văn bản ủy quyền có thể là Giấy ủy quyền hoặc Hợp đồng ủy quyền.
Hiện nay, chưa có bất cứ văn bản nào quy định về hình thức Giấy ủy quyền. Tuy nhiên, Giấy ủy quyền vẫn được sử dụng và được công chứng, chứng thực như Hợp đồng ủy quyền.
Điểm khác biệt lớn nhất giữa Giấy ủy quyền và Hợp đồng ủy quyền chính là khi giao kết Hợp đồng ủy quyền bắt buộc phải có mặt hai bên: Bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền, ngược lại, Giấy ủy quyền thì không bắt buộc.
Chính bởi lẽ đó, Giấy ủy quyền không có giá trị bắt buộc đối với người nhận ủy quyền, không buộc người đó phải thực hiện các công việc ghi trong Giấy ủy quyền.
Nếu người nhận ủy quyền không thực hiện công việc được ủy quyền trong Giấy ủy quyền thì bên ủy quyền cũng không có quyền yêu cầu người kia phải thực hiện hay bồi thường thiệt hại.
Tổng hợp các trường hợp ủy quyền phải lập thành văn bản (Ảnh minh họa)
Các trường hợp ủy quyền phải lập thành văn bản
Hiện nay, các trường hợp ủy quyền phải lập thành văn bản nằm rải rác ở các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau.
Stt | Trường hợp | Căn cứ |
1 | Ủy quyền đăng ký hộ tịch | Điều 2 Thông tư số 15/2015/TT-BTP |
Người yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch, yêu cầu đăng ký hộ tịch (khai sinh; thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, bổ sung thông tin hộ tịch; khai tử…) được ủy quyền cho người khác thực hiện thay, trừ:
– Đăng ký kết hôn; – Đăng ký lại việc kết hôn; – Đăng ký nhận cha, mẹ, con. |
||
Ủy quyền phải được lập thành văn bản, được công chứng, chứng thực
Lưu ý: Trường hợp người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền thì văn bản ủy quyền không phải công chứng, chứng thực, nhưng phải có giấy tờ chứng minh mối quan hệ với người uỷ quyền |
||
2 | Ủy quyền xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1 | khoản 3 Điều 45 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 |
Cá nhân có thể ủy quyền cho người khác làm thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1. Việc ủy quyền phải được lập thành văn bản
Trường hợp người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người được cấp Phiếu lý tư pháp thì không cần văn bản ủy quyền |
||
3 | Thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân ủy quyền cho người đại diện cho hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia xác lập, thực hiện giao dịch | khoản 1 Điều 101 Bộ luật Dân sự 2015 |
4 | Vợ chồng bên nhờ mang thai hộ ủy quyền cho nhau | khoản 2 Điều 96 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 |
5 | Cổ đông ủy quyền cho người khác tham gia Đại hội đồng cổ đông | khoản 1 Điều 140 Luật Doanh nghiệp năm 2014 |
6 | Người đại diện theo pháp luật duy nhất của doanh nghiệp khi xuất cảnh khỏi Việt Nam phải ủy quyền cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình | khoản 3 Điều 13 Luật Doanh nghiệp |
7 | Chủ tịch doanh nghiệp Nhà nước vắng mặt ở Việt Nam trên 30 ngày ủy quyền bằng văn bản cho người khác thực hiện một số quyền, nghĩa vụ của Chủ tịch công ty | khoản 7 Điều 98 Luật Doanh nghiệp |
8 | Chủ tịch Hội đồng quản trị vắng mặt hoặc không thể thực hiện được nhiệm vụ của mình thì ủy quyền cho một thành viên khác thực hiện các quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch Hội đồng quản trị | khoản 4 Điều 152 Luật Doanh nghiệp |
9 | Chủ tịch Hội đồng thành viên vắng mặt hoặc không đủ năng lực để thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình ủy quyền cho một thành viên thực hiện các quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch Hội đồng thành viên | khoản 4 Điều 57 Luật Doanh nghiệp |
10 | Đương sự ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng dân sự, trừ trường hợp ly hôn | Điều 86 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 |
11 | Đương sự hoặc người đại diện theo pháp luật của đương sự ủy quyền tham gia tố tụng hành chính | khoản 3 Điều 60, khoản 6 Điều 205 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 |
12 | Người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở Việt Nam được nhận thừa kế thì ủy quyền cho người khác thuộc diện được nhận thừa kế quyền sử dụng đất nộp hồ sơ việc nhận thừa kế | khoản 4 Điều 186 Luật Đất đai 45/2013 |
13 | Người nhận thừa kế là người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở Việt nam ủy quyền cho người trông nom hoặc tạm sử dụng đất và thực hiện nghĩa vụ theo quy định | Khoản 5 Điều 186 Luật Đất đai |
14 | Chủ nợ ủy quyền cho người khác tham gia Hội nghị chủ nợ | Khoản 1 Điều 77 Luật Phá sản năm 2014 |
15 | Người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, chủ doanh nghiệp hoặc người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán nếu không tham Hội nghị chủ nợ thì ủy quyền cho người khác tham gia | Khoản 1 Điều 78 Luật Phá sản |
16 | Người đại diện được người sử dụng lao động ủy quyền để thực hiện điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở | Khoản 1 Điều 35 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 |
Liên hệ tư vấn:
-
Địa chỉ: 792 Lê Trọng Tấn, Phường Bình Hưng Hòa, Bình Tân HCM
-
Điện thoại: 028 376 55 666
-
Hotline: 0917 329 123