Văn phòng công chứng Phan Thị Kim Cúc

Hotline: 0917 329 123 Email: congchungkimcuc@gmail.com
PHÂN BIỆT CÔNG CHỨNG VÀ CHỨNG THỰC TRONG CÁC HỢP ĐỒNG GIAO DỊCH

PHÂN BIỆT CÔNG CHỨNG VÀ CHỨNG THỰC TRONG CÁC HỢP ĐỒNG GIAO DỊCH

Đại đa số người dân hiện nay vẫn hay đồng nhất khái niệm của 02 hoạt động: công chứngchứng thực trong các hợp đồng, giao dịch.

Hiện nay, đối với các hợp đồng, giao dịch được thực hiện nhằm xác thực giá trị pháp lý thì có hai hình thức là công chứng và chứng thực, tuy nhiên việc công chứng và chứng thực hợp đồng, giao dịch có những điểm khác nhau cơ bản và có giá trị pháp lý cũng hoàn toàn khác nhau. Có thể thấy, trong thời gian qua việc ban hành Luật Công chứng 2006  và Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 là một bước tiến quan trọng bước đầu phân tách một cách cơ bản hoạt động công chứng và hoạt động chứng thực, hiện nay là Luật công chứng 2014 và nghị định 29/2015/NĐ-CP và Thông tư 06/2015/TT-BTP. Bắt đầu từ nghị định số 79/2007/NĐ-CP đã chính thức khẳng định hoạt động chứng thực là hoạt động độc lập, thuộc chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hành chính nhà nước (Phòng Tư pháp cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã).

Ngày 16/02/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, chứng thực hợp đồng, giao dịch thay thế cho Nghị định số 79/2007/NĐ-CP, quy định về chứng thực hợp đồng, giao dịch và Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 8/12/2000 của Chính phủ về quản lý hoạt động công chứng, chứng thực và một số văn bản pháp luật khác. Sự ra đời của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP đã phân biệt rõ sự khác biệt giữa công chứng và chứng thực hợp đồng, giao dịch.
Theo khoản 1, Điều 2 của Luật công chứng số 53/2014/QH13 ngày 20/6/2014 thì Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự bằng văn bản mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.
Còn chứng thực hợp đồng, giao dịch: là việc cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này chứng thực về thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch (khoản 4, Điều 2, Nghị định 23/2015/NĐ-CP).

Như vậy, công chứng hợp đồng, giao dịch hay chứng thực hợp đồng, giao dịch đều là sự chứng nhận, hay xác nhận tính có thực của một hợp đồng, giao dịch nào đó, các bên tham gia hợp đồng, giao dịch đều có năng lực hành vi dân sự và các bên đã tự nguyện tham gia ký kết hợp đồng, giao dịch.

Tuy nhiên hai hoạt động này có những điểm khác nhau cơ bản sau đây:

 1.Về cơ quan thực hiện
Đối với chứng thực hợp đồng, giao dịch: Phòng Tư pháp cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền chứng thực hợp đồng, giao dịch thực hiện;
Đối với công chứng hợp đồng, giao dịch: Tổ chức hành nghề công chứng (Phòng Công chứng, Văn phòng Công chứng)  thực hiện.
Về người thực hiện
Đối với chứng thực hợp đồng, giao dịch: Ở các Phòng Tư pháp, thì Trưởng Phòng, Phó trưởng Phòng Tư pháp là người thực hiện chứng thực chữ ký người dịch. Ở Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch/Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền chứng thực.
Đối với công chứng hợp đồng, giao dịch: Công chứng là hoạt động do công chứng viên thực hiện, hay nói cách khác, chủ thể thực hiện hoạt động công chứng chỉ là công chứng viên. Công chứng viên là những người đáp ứng được đầy đủ điều kiện về trình độ pháp lý, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, thâm niên công tác… do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm, miễn nhiệm.
3. Về giá trị pháp lý
Theo quy định của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP thì hợp đồng, giao dịch được chứng thực có giá trị chứng cứ chứng minh về thời gian, địa điểm các bên đã ký kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.
Hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan. Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu.
4. Về trách nhiệm của người thực hiện chứng thực và công chứng viên: 
Trách nhiệm của người thực hiện chứng thực và công chứng viên là hoàn toàn khác nhau.
Người thực hiện chứng thực chịu trách nhiệm về thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch. Không chịu trách nhiệm về nội dụng của hợp đồng, giao dịch được chứng thực (trừ trường hợp người thực hiện chứng thực biết rõ ràng là hợp đồng, giao dịch đó trái pháp luật).
Công chứng viên phải chịu trách nhiệm về tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch được công chứng (chịu trách nhiệm về mặt nội dung); về toàn bộ hợp đồng, giao dịch được công chứng và họ phải chịu trách nhiệm cá nhân cả đời về việc mà họ đã công chứng.
5. Thủ tục thực hiện chứng thực và thủ tục công chứng
Điều 36 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP chỉ quy định một thủ tục chứng thực hợp đồng, giao dịch khá đơn giản cho chứng thực tất cả các loại hợp đồng, giao dịch khác nhau.
Cụ thể, thủ tục chứng thực hợp đồng, giao dịch có các bước như sau:
Bước 1: Xuất trình hồ sơ hợp lệ. Người yêu cầu chứng thực nộp 01 một bộ hồ sơ trong đó có dự thảo hợp đồng, giao dịch cần chứng thực
Bước 2: Kiểm tra hồ sơ. Người thực hiện chứng thực tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ của người yêu cầu chứng thực, nếu hợp lệ thì thực hiện chứng thực
Bước 3: Thực hiện chứng thực. Người thực hiện chứng thực yêu cầu các bên tham gia hợp đồng, giao dịch phải ký trước mặt mình, ghi lời chứng, ký tên đóng dấu
Bước 4: Trả kết quả chứng thực, thu lệ phí chứng thực
Thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch được quy định tại Điều 40, 41 của Luật Công chứng. Thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch có hai loại: hợp đồng, giao dịch do người yêu cầu công chứng tự soạn thảo và hợp đồng, giao dịch do công chứng viên soạn thảo. Cụ thể thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch có các bước như sau:
Bước 1: Người yêu cầu công chứng lập một bộ hồ sơ, trong đó có dự thảo hợp đồng, giao dịch cần chứng thực
Bước 2: Công chứng viên kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu công chứng. Trường hợp hồ sơ yêu cầu công chứng đầy đủ, phù hợp với quy định của pháp luật thì thụ lý và ghi vào sổ công chứng.
Bước 3: Công chứng viên ghi lời chứng, ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch.
Bước 4: Trả kết quả chứng thực, thu phí công chứng
6. Về lệ phí
Lệ phí chứng thực hợp đồng, giao dịch và lệ phí chứng thực được quy định tại Thông tư số 257/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 sửa đổi bổ sung bởi thông tư 111/2017/TT-BTC ngày 20/10/2017 của Bộ Tài chính. Theo quy định của thì phí công chứng được thu theo trên cơ sở giá trị tài sản, giá trị khoản vay hoặc giá trị của hợp đồng. Bên cạnh phí công chứng, người yêu cầu công chứng còn phải trả thù lao khi yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng thực hiện việc soạn thảo hợp đồng, giao dịch, đánh máy, sao chụp, dịch giấy tờ, văn bản và các việc khác liên quan đến việc công chứng.
7. Về tính chất
Hoạt động chứng thực là hoạt động hành chính tư pháp: Hoạt động chứng thực gắn chặt với vai trò của cơ quan hành chính nhà nước. Quan hệ xã hội trong hoạt động chứng thực là quan hệ mang tính chất hành chính nhà nước. Tại nhiều UBND, do Lãnh đạo bận công việc, họp hành nên chỉ bố trí lịch tiếp dân vài buổi trong tuần, chưa đáp ứng được tốt yêu cầu của người dân.
Hoạt động công chứng là hoạt động bổ trợ tư pháp: công chứng là hoạt động gắn liền với bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức khi tham gia các hợp đồng, giao dịch; đồng thời hỗ trợ, bổ sung cho các hoạt động quản lý nhà nước và hoạt động tư pháp nên được xếp vào hoạt động bổ trợ tư pháp.
Trên đây là một số những điểm khác biệt cơ bản nhằm phân biệt hoạt động chứng thực và công chứng hợp đồng, giao dịch. Với những phân biệt nêu trên hy vọng bạn đọc có những hình dung nhất định về hai hoạt động này và sử dụng nghiệp vụ công chứng, chứng thực hợp lý khi có hợp đồng, giao dịch cần được chứng thực, công chứng

Liên hệ tư vấn:

  • Địa chỉ: 792 Lê Trọng Tấn, Phường Bình Hưng Hòa, Bình Tân HCM
  • Điện thoại: 028 376 55 666
  • Hotline: 0917 329 123

Bài viết liên quan

  • Địa chỉ: 792 Lê Trọng Tấn, Phường Bình Hưng Hòa, Bình Tân HCM
  • Điện thoại: 028 376 55 666
  • Hotline: 0917 329 123

Tìm chúng tôi

FANPAGE

Bản quyền thuộc về VPCC Phan Thi Kim Cúc